Sai lầm kinh doanh của những doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử

Vào những năm 90, đồ uống Snapple từng là một tên tuổi lớn với những nhà bán lẻ. Quaker mua lại Snapple với giá 1,7 tỷ USD, tuy nhiên mọi việc không theo kế hoạch.

1. Excite đáng lẽ đã mua được Google với giá chưa đến 1 triệu USD

Năm 1999, Excite là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai, trong khi Google chỉ mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực này. Larry Page sẵn sàng bán Google cho Excite với giá 750.000 USD (với điều kiện Excite sẽ thay thế công nghệ của mình bằng công nghệ tìm kiếm của Google), Inc. đưa tin.

Có nhiều cách giải thích cho lựa chọn của Excite, nhưng dù thế nào thì kết quả cũng đã rõ. Cuối cùng, Excite bị mua lại bởi Ask.com – hãng sở hữu dưới 2% thị phần công cụ tìm kiếm. Google đang sở hữu hơn 60% thị phần công cụ tìm kiếm ở Mỹ, và con số còn lớn hơn trên phạm vi toàn cầu.

Những sai lầm kinh doanh lớn nhất trong lịch sử

Hiện Google có khối tài sản trên 130 tỷ USD, gấp 173.333 lần số Excite trước đó đáng lẽ chỉ phải bỏ ra.

2. Daimler-Benz mất 20 tỷ USD cho thương vụ Chrysler

Chrysler là một trong 3 nhà sản xuất ôtô lớn của Mỹ, nhưng hãng luôn gặp vấn đề trong việc thiết lập thị trường quốc tế. Daimler-Benz đã chớp lấy cơ hội và sáp nhập Chrysler với giá 30,7 tỷ USD năm 1998.

Tuy nhiên, kết quả của vụ sáp nhập này lại không như mong muốn. Mặc dù trên lý thuyết tỷ lệ phân chia sẽ là 50/50, nhưng năm 2006, doanh số của Chrysler chỉ đóng góp chưa đầy 1/3 tổng doanh thu của toàn bộ công ty.

Cuối cùng, Daimler-Benz quyết định “chia tay” và bán đi 80% cổ phần ở Chrysler vào năm 2007 với giá 7,4 tỷ USD. Vụ mua bán này đã gây ra tổn thất 20 tỷ USD cho Daimler-Benz.

3. Kodak sở hữu máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên từ năm 1977

Kodak đã trình đơn xin cấp bằng sáng chế cho một trong những máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên (máy ảnh dùng băng từ để lưu trữ ảnh có kích cỡ khoảng 100kb) từ năm 1977.

Tuy nhiên, do kiếm được quá nhiều tiền từ phim máy ảnh, hãng đã không giới thiệu công nghệ này ra công chúng ngay khi đó. Kodak tiếp tục tập trung vào các máy ảnh phim truyền thống, bất chấp việc thị trường đang chuyển dần sang máy ảnh kỹ thuật số.

Đến khi bước chân vào thị trường mới này, hãng liên tục thua lỗ và không có khả năng đấu lại các nhà sản xuất có kinh nghiệm nhiều năm với công nghệ kỹ thuật số.

4. News Corp và cuộc khủng hoảng Myspace

Trong một thế giới bị chi phối bởi truyền thông xã hội, cái tên Myspace, một trong những anh cả của các trang mạng xã hội, lại hiếm khi được nhắc tới. Nếu cho rằng Myspace bị Facebook đá phăng thì chưa hẳn, bởi hiện nay vẫn có nhiều trang mạng cùng tồn tại với Facebook.

Trong khi tên tuổi của Myspace đang lên thì năm 2005, New Corps mua lại mạng xã hội này với giá 580 triệu USD. Tuy nhiên ông chủ mới lại vận hành Myspace một cách tệ hại.

Giá trị của Myspace được ước tính ở mức 12 tỷ USD năm 2008. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, con số này giảm mạnh. Theo một vài ước tính, năm 2011, News Corp bán Myspace với giá chỉ 35 triệu USD. Người sử dụng đã chuyển sang các trang mạng xã hội khác.

5. Blockbuster nhiều lần từ chối mua Netflix

Trước đây đã có thời các cửa hàng cho thuê băng đĩa như Blockbuster Video là một phần không thể thiếu cho các dự định cuối tuần. Tuy nhiên, các dịch vụ video trực tuyến như Netflix hay những hệ thống cho thuê trên cơ sở ki ốt đã khiến mô hình cho thuê băng đĩa trở nên lỗi thời.

Blockbuster đã chậm chân, mặc dù cơ hội đến sớm là không thiếu. Năm 2000, Netflix đề xuất sẽ chịu trách nhiệm mảng trực tuyến cho Blockbuster, còn Blockbuster xử lý mảng cửa hàng. Sự hợp tác này sẽ giúp loại bỏ nhu cầu chuyển phát DVD.

Barry McCarthy, cựu CFO của Netflix, cho biết: “Họ đã cười khẩy và mời chúng tôi ra khỏi văn phòng”. Sau đó, Blockbuster đi xuống còn Netflix phát triển mạnh, trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

6. Lỗi sai toán cấp một tiêu tốn của NASA 125 triệu USD

Số thập phân và phân số có thể làm khó nhiều trẻ em, và có lần đã gây đau đầu cả những bộ óc vĩ đại nhất nước Mỹ. Năm 1999, một tàu thăm dò sao Hoả do Lockheed Martin thiết kế cho NASA đã biến mất trong không gian, do một lỗi đơn giản: các kỹ sư ở Lockheed sử dụng hệ thống đo lường kiểu Anh, trong khi đội ngũ của NASA sử dụng hệ thống đo lường quốc tế.

Sự cố này đã dẫn đến hỏng hóc và tàu thăm dò vũ trụ bị mất, tổng thiệt hại 125 triệu USD. Thật không bình thường khi Lockheed sử dụng hệ thống đo lường kiểu Anh cho một thiết kế của NASA (NASA đã sử dụng hệ thống đo lường quốc tế từ nhiều năm nay).

Trên thực tế đã có rất nhiều cơ hội để hãng phát hiện ra lỗi này, nhưng cuối cùng không ai tìm ra.

7. Quaker mất hơn 1 tỷ USD vì Snapple

Vào những năm 90, đồ uống Snapple từng là một tên tuổi lớn với những nhà bán lẻ. Quaker mua lại Snapple với giá 1,7 tỷ USD, tuy nhiên mọi việc không theo kế hoạch.

Những nhà sản xuất đồ uống khác đã nhận thấy sự phát triển của Snapple (và con số Quaker sẵn sàng trả cho nó). Họ tất nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn Quaker làm mưa làm gió tại thị trường đồ uống hoa quả trong chai: Coca-Cola phát triển Fruitopia năm 1994, còn SoBe thì xuất hiện năm 1996.

Trong hoàn cảnh đó, Snapple đã không thể mang lại lợi nhuận như Quaker dự tính. Cuối cùng, Quaker phải bán lại Snapple cho Triac với giá 300 triệu USD năm 1997. 3 năm sau, Triac bán Snapple cho Cadbury Schweppes với giá 1,43 tỷ USD.

Tô Đức/Zing

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *